Nhiều ý kiến cho rằng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái tư tưởng, "tự diễn biến" phải đấu tranh cho thật trúng, đặc biệt những người có chức, có quyền.
Bế mạc Hội nghị Trung ương 4, khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Cái mới của lần này là Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá". Chỉ rõ nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân….
Cán bộ, đảng viên và nhân dân cho rằng, lần này Trung ương ra Nghị quyết trên cơ sở rút kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về những việc đã làm được, những việc chưa làm được, rút kinh nghiệm xây dựng Nghị quyết sát thực, đấu tranh có hiệu quả tốt hơn. Từ thực tiễn, kinh nghiệm, bài học rút ra thì lần này Trung ương xây dựng Nghị quyết sát hợp với thực tiễn, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả cuộc đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong Đảng, từ đó tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
GS.TS Trần Ngọc Đường (Ảnh: Infonet)
GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn Phòng Quốc hội cho rằng, người dân rất kỳ vọng sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, Đảng chủ trương ra Nghị quyết thì dân hoàn toàn ủng hộ, có chỗ dựa vững chắc cùng Đảng xây dựng nhà nước ngày càng vững mạnh. Ông mong muốn sau Nghị quyết lần này cuộc đấu tranh xây dựng Đảng sẽ được nâng lên bước mới, chất lượng mới.
Nhiều ý kiến cho rằng, triển khai thực hiện Nghị quyết phải cương quyết, mạnh mẽ hơn nữa. Phải đấu tranh cho thật trúng, đặc biệt những người có chức, có quyền, người đang thi hành công vụ.
Theo ông Phạm Xuân Hằng, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hội nghị lần này bàn về những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", chính là Trung ương xác định làm cho sâu hơn, kỹ hơn, hiệu quả hơn. Bởi vì có nhóm lợi ích như Tổng Bí thư đã nói như ma trận, và không dễ làm. Vì vậy, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phải có những giải pháp cụ thể, thiết thực để tạo lòng tin trong nhân dân, để dân thấy Đảng nói và đang làm.
“Phải làm không né tránh, được lòng dân, tăng thêm niềm tin trong nhân dân. Nếu chúng ta cứ dè dặt, trong ấm ngoài êm thì Nghị quyết lần này ban hành cũng không mang lại kết quả. Phải quyết liệt, quyết liệt hơn nữa”, ông Phạm Xuân Hằng nhấn mạnh.
Phân tích những biểu hiện của “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa giáo dục Thanh niên, Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội nhận định, phải bắt đầu chỉnh đốn từ gốc của vấn đề. Gốc vấn đề là giữ gìn sự trong sạch của Đảng, tổ chức hoạt động phải hiệu quả, tạo niềm tin trong nhân dân. Đảng viên không rèn luyện, suy thoái đạo đức lối sống thì sẽ dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Bởi vậy, việc làm trong sạch Đảng, giữ gìn Đảng trong sạch vững mạnh đấy chính là biện pháp chống “tự diễn biến” sâu sắc nhất.
“Tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết lần này phải đi sâu, mỗi đảng viên phải rèn luyện mình. Bây giờ chỗ nào có lợi thì đảng viên lao vào, thu lợi bất chính chính là “tự diễn biến”. Tất cả các cấp ủy từ địa phương đến Trung ương mà rời khỏi vai trò lãnh đạo của mình hoặc không xứng đáng với vai trò lãnh đạo thì đó cũng chính là tự diễn biến, tự mình làm mất vai trò lãnh đạo của mình. Đó là tự diễn biến lớn nhất, sâu sắc nhất trong điều kiện hiện nay”, Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức nói.
Theo Lại Hoa/VOV.VN
EmoticonEmoticon